Hình ảnh và nhân cách trong công chúng Elizabeth_II

Nữ vương Elizabeth II được người dân Anh xem là biểu tượng của đất nước họ.

Nữ vương Elizabeth được minh họa trong một bộ phim bán tiểu sử năm 2006 mang tên The Queen, cũng như nhiều tác phẩm khác nhưng bà hầu như chưa bao giờ thực hiện phỏng vấn với báo chí và rất ít người biết được cảm xúc của bà. Bà nhận thức rất rõ phận sự tôn giáo và công dân của mình, và rất nghiêm túc với lời thề khi lên ngôi[104][105]. Bà có tiếng là người có lối thời trang bảo thủ, gần như lúc nào cũng áo khoác màu trơn, găng tay và chiếc mũ trang trí, khiến bà dễ nhận thấy trong đám đông[106]. Thú vui tiêu khiển chính của bà là đua ngựa, nhiếp ảnh, và chó, đặc biệt là những con Pembroke Welsh Corgi của bà[14].

Vào những năm 1950, khi còn là một phụ nữ trẻ vừa lên ngôi, Elizabeth được minh họa là một "Nữ vương cổ tích" quyến rũ[107]. Sau thế chiến thứ hai, đó là thời điểm của sự hy vọng, thời kỳ phát triển và thành tựu được gọi là "thời kỳ Elizabeth mới"[108]. Lời cáo buộc như của Lord Altrincham vào năm 1957 rằng bà là một "cô nữ sinh hợm hĩnh" là một sự chỉ trích cực kỳ hiếm hoi[109]. Vào cuối thập niên 1960, những nỗ lực nhằm mô tả một hình ảnh của một chủ nghĩa quân chủ hiện đại hơn đã được thực hiện trong phim phóng sự truyền hình Royal Family (Gia đình Vương thất), và bằng cách truyền đi Lễ phong tước thân vương xứ Wales của Thế tử Charles[110]. Vào ngày kỷ niệm 25 năm trị vì của bà, người dân và những lễ hội thực sự rất say mê[111], nhưng vào thập niên 1980 sự chỉ trích của công chúng nhằm vào Vương thất tăng lên, vì đời sống cá nhân và công việc của con cái Elizabeth bị truyền thông soi mói khá kỹ[112]. Uy tín của Nữ vương Elizabeth thấp nhất trong thập niên 1990; dưới sức ép của công chúng bà bắt đầu lần đầu tiên trả thuế thu nhập, và Điện Buckingham phải mở cửa cho công chúng[82]. Sự bất mãn với chế độ quân chủ lên đến đỉnh điểm với Cái chết của Diana, công nương xứ Wales, và chỉ mất dần khi Nữ vương phát biểu truyền hình đến toàn thế giới[82].

Vào tháng 11 năm 1999, cuộc trưng cầu dân ý ở Úc về tương lai của chế độ quân chủ cho kết quả tiếp tục duy trì nền quân chủ[113]. Khi năm Kỷ niệm 50 năm trị vì của bà bắt đầu, giới truyền thông dự đoán xem nó sẽ là một năm thành công hay thất bại[114]. Năm đó bắt đầu một cách u ám bằng cái chết của em gái và mẹ của Elizabeth, nhưng đã có một triệu người tham dự mỗi ngày trong ba ngày lễ kỷ niệm chính ở Luân Đôn[115]. Sự nhiệt tình của công chúng đối với Elizabeth lớn hơn nhiều so với những dự đoán của báo giới[116]. Những cuộc thu thập ý kiến năm 2006 cho thấy người ta ủng hộ Elizabeth mạnh mẽ; đa số người trả lời muốn bà tiếp tục trị vì cho đến khi chết, và nhiều người cảm thấy bà đã trở thành một người thân thuộc[117][118].

Tài chính

Sandringham House, tư dinh của Elizabeth II ở Sandringham, Norfolk.

Tài sản cá nhân của Nữ vương Elizabeth đã là chủ đề soi mói trong nhiều năm. Tạp chí Forbes ước đoán tài sản sau thuế của bà là khoảng 600 triệu đô la Mỹ (330 triệu bảng Anh)[119], nhưng thông cáo chính thức của Điện Buckingham đã gọi việc ước đoán 100 triệu bảng Anh cũng đã là "cường điệu thô thiển"[120]. Mặc dù Bộ sưu tập Vương thất trị giá xấp xỉ 10 tỷ bảng Anh, nó là tài sản phó thác cho con cháu và nước Anh, như Điện Buckingham, Lâu đài Windsor, và các cung điện có người ở trong Vương quốc Anh[121][122]. Cũng như nhiều vị vua trước đó, Elizabeth được cho là không thích ở Điện Buckingham, mà xem Lâu đài Windsor mới là mái nhà của mình[97].

Sandringham HouseLâu đài Balmoral là tài sản sở hữu của cá nhân Nữ vương, được thừa kế từ cha khi ông mất, cùng với Đất công tước Lancaster, bản thân nó trị giá 30 triệu bảng và mang lợi thu nhập cá nhân 9,811 triệu bảng cho Nữ vương vào năm 2006. Thu nhập từ Tài sản Vương thất Anh - có giá trị 7 tỷ bảng - được chuyển sang ngân khố Anh của bà để chi trả cho nhân viên Vương thất. Cả Tài sản Vương thất và đất đai Vương thất tại Canada - bao gồm 89% (hoặc xấp xỉ 8.885.000 km²)[123] diện tích 9.984.670 km² của Canada - do Elizabeth sở hữu phó thác cho quốc gia vì vai trò Quốc chủ của bà, và không được phép bán hoặc sở hữu như tài sản cá nhân.

Chính trị và vai trò trong chính phủ

Là một vị quân chủ lập hiến, Nữ vương Elizabeth chưa từng bày tỏ quan điểm chính trị cá nhân của mình trước công chúng, và vẫn duy trì nguyên tắc này trong suốt thời gian trị vì. Nữ vương gặp gỡ Thủ tướng Anh hàng tuần, cũng như gặp gỡ các bộ trưởng khác thường xuyên. Thủ tướng Margaret Thatcher nói trong hồi ký của bà: "Bất kỳ ai tưởng tượng rằng họ là những người hình thức hoặc bị giam hãm trong khuôn khổ xã hội là lầm; họ là những doanh nhân thầm lặng và Bệ hạ là người nắm rất rõ các sự kiện đang diễn ra và có kinh nghiệm rất rộng"[124].

Sự thống nhất quốc gia Anh

Sau Thỏa thuận Belfast đối với Bắc Ireland, Ian Paisley, người đứng đầu Đảng Thống nhất Dân chủ, đã phá vỡ truyền thống tôn kính đối với Vương thất của những người theo Chủ nghĩa thống nhất bằng cách gọi Nữ vương là "con vẹt của Tony Blair", ý nói sự ủng hộ của Elizabeth đối với thỏa thuận có thể là yếu tố làm suy giảm vị thế của chế độ quân chủ trong lòng những người Tin lành Bắc Ireland, mà một số không nhỏ trong số họ vẫn phản đối một vài phần của hiệp ước[125]. Sau những cuộc trưng cầu dân ý trong thập niên 1990 mà kết quả là sự ủng hộ kế hoạch tự trị, Nữ vương đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến Nghị viện Scotland vừa mới thành lập và Quốc hội xứ Wales, những buổi khai mạc đầu tiên do bà thực hiện với tư cách cá nhân.

Sự thống nhất quốc gia Canada

Khi Nữ vương Elizabeth được mời đến Canada năm 1964, đây đang là đỉnh điểm của phong trào ly khai Quebec, đã có những lo ngại về an toàn cho bà. Có báo cáo rằng tổ chức khủng bố Mặt trận tự do Québec đã đe dọa sẽ ám sát bà, và người ta đã xét đến việc hủy chuyến viếng thăm[51][126]. Thư ký riêng của Nữ vương nói rằng Nữ vương rất sợ bị cản không cho công du vì "những hoạt động của những kẻ quá khích"[51]. Tuy chưa bao giờ nói thẳng là bà chống lại xu hướng ly khai, Elizabeth đã công khai ca ngợi sự thống nhất của Canada và bày tỏ mong ước tiếp tục nhìn thấy một Canada thống nhất, đôi khi gây nên tranh cãi trong một số vụ việc. Trong bài diễn văn gửi đến Quốc hội Quebec, bà bỏ qua cuộc tranh cãi quốc gia và những cuộc nổi loạn trong khi bà đang hiện diện và đã nói bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp về sức mạnh của hai nền văn hóa "bổ sung cho nhau" của Canada[127]. Sau Đạo luật Hiến pháp năm 1982, là "lần đầu tiên trong lịch sử Canada một sự thay đổi hiến pháp lớn đã được thông qua mà không có sự đồng ý của chính phủ Quebec, Bệ hạ đã cố gắng thể hiện vị trí là người đứng đầu toàn gia đình Canada và vai trò là người hòa giải bằng cách bày tỏ một cách riêng tư với báo giới sự tiếc nuối của bà rằng Quebec không phải là một phần của thuộc địa"[17].

Vào năm 1995, trong một chiến dịch trưng cầu dân ý về sự ly khai của Quebec, Nữ vương đã bị lừa tiết lộ quan điểm cá nhân về sự ly khai của Quebec khi Pierre Brassard, một DJ cho Đài Radio CKOI-FM Montreal, gọi đến Điện Buckingham giả vờ làm Thủ tướng Canada khi đó Jean Chrétien, và khiến cho Nữ vương Elizabeth tin và nói chuyện trong 14 phút đan xen tiếng Anh và tiếng Pháp. Khi được nói rằng những người ly khai đang dẫn đầu trong cuộc trưng cầu, Elizabeth tiết lộ bà cảm thấy "cuộc trưng cầu đang đi theo hướng sai lầm", và thêm, "nếu tôi bằng cách nào đó có thể giúp, tôi sẽ rất vui lòng". Tuy nhiên, bà nhấn mạnh từ chối chấp nhận lời khuyên từ người đàn ông, mà bà tin là Chrétien, rằng bà nên can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý mà không cần xem bài diễn văn nháp. Nữ vương cuối cùng nghi ngờ có lừa gạt và dừng cuộc nói chuyện, mặc dù tài xử lý khéo léo cuộc gọi của bà đã được Brassard tán dương[128]. Trong hồi ký của mình, Chrétien nhắc lại lời bình luận chế nhạo của Nữ vương đối với ông liên quan đến sự việc này: "'Tôi không nghĩ ông bình thường,' bà nói với tôi, 'nhưng tôi nghĩ, với sức ép mà ông đang phải chịu, có thể ông đang say'"[129].

Tôn giáo

Bên cạnh vai trò tôn giáo chính thức của mình là Lãnh đạo tối cao của Giáo hội Anh, cá nhân Elizabeth tham gia thờ phượng tại giáo hội này. Khi ở Scotland bà theo Giáo hội Scotland (Trưởng Lão phái), để giữ gìn vai trò lập hiến của mình trong quốc gia đó,[130] bà thường đi lễ Chủ nhật tại Nhà thờ Crathie khi tới nghỉ tại Lâu đài Balmoral.[131]) Định kỳ, Nữ vương sẽ gửi lời nhắn cá nhân về niềm tin của mình trong buổi phát hình Thông điệp Giáng sinh Vương thất thường niên đến Khối thịnh vượng chung, như trong năm 2000, bà đã nói về ý nghĩa thần học của thiên niên kỷ đánh dấu dịp kỷ niệm 2000 năm Chúa Giê-su sinh ra:

Đối với nhiều người trong chúng ta, niềm tin có tầm quan trọng căn bản. Đối với tôi, theo lý thuyết Kitô, và trách nhiệm cá nhân của tôi trước Chúa là nền tảng dẫn dắt cuộc đời tôi. Tôi, giống như nhiều người trong các bạn, đã có được sự an ủi lớn lao trong những thời khắc khó khăn từ những lời và huấn dụ của Chúa[132].

Nữ vương Elizabeth cũng biểu lộ sự ủng hộ mối quan hệ giữa các tôn giáo với nhau, thường là cuộc gặp với các lãnh đạo tôn giáo khác, và trao sự bảo trợ cá nhân của mình cho Hội đồng Cơ Đốc nhân và người Do Thái[133].

Yêu cầu được tôn trọng cuộc sống riêng tư

Elizabeth cảnh cáo báo chí đừng nên đăng tải hình ảnh không chính thức do đám thợ săn ảnh cung cấp, Cung điện Buckingham tuyên bố ngày 6 tháng 12 năm 2009. Vương thất Anh nói rằng, luật sư của triều đình trước đó sáu tuần có viết thư gửi cho chủ bút các báo, nhắc nhở họ đừng cho công bố những hình ảnh xâm phạm đến cuộc sống gia đình Vương thất. Lá thư được gửi "để đáp lại việc hằng mấy năm trời gia đình Vương thất bị các nhiếp ảnh gia săn đuổi hướng vào phần đất sở hữu riêng của Vương thất."[134]

Thái độ cứng rắn mới này của Vương thất có vẻ có kết quả tốt trong nhiều tháng, nay được nhắc đến trước dịp lễ Giáng sinh, là thời điểm mà các tay săn ảnh có truyền thống lùng kiếm những hình ảnh Vương thất về nghỉ ngơi tại Sandringham Estate, ở phía Ðông nước Anh. Gia đình Vương thất vốn có rắc rối từ lâu với các nhiếp ảnh gia. Nhiều người tin rằng sự săn đuổi của giới truyền thông đã góp phần vào cái chết của Công nương Diana trong tai nạn xe vào năm 1997. Sau đó, hai Vương tử William và Harry bị chụp hình khi họ vừa từ các hộp đêm đi ra, và bạn gái của William là Kate Middleton cũng bị rượt sát ngay bên ngoài nhà mình.[135]

Năm 2007, phát ngôn viên của Vương tử William có than phiền về hành vi "nguy hiểm" của các tay săn hình. Phát ngôn viên của Thái tử Charles, Paddy Harverson nói với tờ The Sunday Telegraph rằng, thành viên gia đình Vương thất "cảm thấy họ có quyền được sống riêng tư mỗi khi họ cần đi đây đó hằng ngày, hay có những sinh hoạt riêng tư."[136]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Elizabeth_II http://www.nga.gov.au/ByAppointment/ //nla.gov.au/anbd.aut-an35061288 http://archives.cbc.ca/500f.asp?id=1-69-70-236 http://archives.cbc.ca/IDD-1-69-70/life_society/ne... http://archives.cbc.ca/clip.asp?page=1&IDClip=5721... http://www.cbc.ca/greatest/top_ten/nominee/trudeau... http://www.cbc.ca/world/story/2005/02/23/charles-q... http://www.crht.ca/DiscoverMonarchyFiles/QueenEliz... http://www.crht.ca/LibraryShelf/CourageoftheQueen.... http://www.ctv.ca/servlet/ArticleNews/story/CTVNew...